Ông Tế bên hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ với điểm nhấn là những chiếc khăn tang trên tay,
Ảnh: Lê Quyết.
Nghệ nhân của làng Trong căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Quang Tế, SN 1942, trú tại xóm 7, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu có vô số tác phẩm làm từ gỗ được ông trưng bày trang trọng. Từ chiếc hộp đựng tăm, cái khay để ly uống nước, chiếc tủ tường… cho đến những bức tượng về người thân của mình như người vợ, người cha, đều được ông Tế gia công cẩn thận để cho ra đời tác phẩm giống hệt với đời thực.
Trước mắt chúng tôi là lão nông chính hiệu chứ không phải là một nhà điêu khắc nghệ thuật chuyên nghiệp. Ấy vậy mà tiếp xúc với lão, nghe lão nói chuyện mới biết lão là con người đa cảm với cuộc sống. Ông Tế vốn quan niệm "tác phẩm nghệ thuật có giá trị phải gắn liền với cuộc sống thường nhật của mình và kèm theo đó là mang ý nghĩa lịch sử". Cũng bởi thế, những tác phẩm mà ông tạo ra đều mang hơi thở của cuộc sống thường ngày và những giá trị nhân văn sâu sắc. Cái duyên đưa ông đến với nghệ thuật gỗ thật tình cờ. Lúc trước ông hay đi đây đi đó bắt gặp những khúc cây lạ có hình dáng ngộ nghĩnh, hình thù kỳ lạ. Cầm những khúc cây đó trên tay trong đầu ông liền nảy ra ý nghĩ "phải biến nó thành khúc gỗ có ý nghĩa và có thể dùng được, đồng thời để mình có thể ngắm nó lúc rãnh rỗi".
Chiến dịch Điện Biên Phủ được ông Tế cẩn thận tái hiện lại trên gỗ. Ảnh: Kim Long
Mỗi tác phẩm của ông đều hàm ẩn trong những suy nghĩ, băn khoăn với đời, có khi là những bài học về cách làm người, về đối nhân xử thế, và những nhân vật, hình ảnh liên quan đến sự thăng trầm của đất nước. Có tác phẩm ông hoàn thành trong chỉ mấy tiếng đồng hồ, nhưng cũng có những tác phẩm ông phải làm cả tuần, có khi kéo dài đến cả tháng để cho ra đời một tác phẩm vừa ý mình. "Nhiều lần vừa bưng bát cơm ăn thì một ý tưởng lóe lên, tôi liền bỏ bữa cơm giữa chừng để hoàn thành tác phẩm theo ý nghĩ đó. Và đối với tôi những tác phẩm làm như vậy thường đẹp hơn rất nhiều" - ông bộc bạch.
Bức tượng đã nói lên hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh, đó là chất đioxin. Ảnh: Kim Long
Là một người yêu thích lịch sử nên trong mỗi tác phẩm của mình, ông đều muốn gửi gắm vào đó một thông điệp về hình tượng các anh hùng, liệt sỹ những người có công với cách mạng. Điển hình nhất là tác phẩm mẹ Nguyễn Thị Thứ được ông hoàn thành năm 2004. "Sau khi đọc xong bài báo viết về mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, người đã phải chịu nỗi đau mất 11 người con kể cả cháu của mình, tôi đã rơi nước mắt vì sự hy sinh và mất mát quá lớn ấy. Ngay ngày hôm sau, tôi bắt tay vào làm bức tượng Mẹ". Bức tượng được làm bằng gỗ mít, hình ảnh người phụ nữ khắc khổ đeo 11 khăn tang cho những người con của mình. Điều đặc biệt ở chỗ ông đã khéo léo để 9 chiếc khăn tang trên tay phải, 9 chiếc khăn kết thành bông hoa huệ tượng trưng cho tấm lòng của người mẹ, một chiếc khăn được chít trên đầu, chiếc còn lại để bên tay trái cho đứa cháu ngoại của Mẹ. Chiếc khăn bên tay trái được làm gần rớt hàm ý do bàn tay Mẹ đã hết sức gánh chịu mất mát quá lớn này. Bức tượng nhỏ nhưng chứa trong đó những nội dung sâu sắc và ý nghĩa. Và hơn hết, đó là tâm huyết của người làm ra nó. Đã có nhiều người ngỏ ý mua tác phẩm này nhưng ông từ chối. "Đây là tác phẩm tôi tâm đắc, nó cho tôi nhiều cảm xúc mỗi khi ngắm nhìn, là động lực để mỗi lúc thấy mệt mỏi, chán nản với cuộc đời tôi lại lấy hình ảnh của Mẹ ra làm gương sáng" - ông bộc bạch.
Niềm khắc khoải cuối đời Ở cái tuổi 70 nhưng trông ông Tế già hơn nhiều. Công việc chính hằng ngày của ông vẫn là làm nông với khoảng 5 sào ruộng và mảnh vườn trồng rau. Với những tác phẩm đặc sắc, nhiều người vẫn thường gọi ông Tế là "nghệ nhân của làng" và ông cũng tâm đắc với tên gọi ấy. Ông có 9 người con, 7 người đã thành gia thất yên ổn làm ăn, chỉ còn 2 người con út đang học đại học. Cuộc sống vật chất, cơm, áo, gạo, tiền có thể làm cho ông già đi so với tuổi nhưng lòng yêu nghề, say mê nghệ thuật, yêu lịch sử vẫn cháy trong ông. Những bức tượng về anh chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam, cô dân quân hay bức tượng Hồ Chủ tịch được ông làm cẩn thận với cả sự tâm huyết của mình. Đối với những tác phẩm đó ông không bán mà chỉ muốn tặng lại cho viện bảo tàng, khu di tích hay các xã có những sự kiện đó để làm kỷ niệm. Chẳng hạn như hình ảnh dân quân xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu bắt giặc Mỹ khi máy bay rơi xuống biển. Đó là tình cảm chân thành của một lão nông chất phác muốn cống hiến cho thế hệ sau biết rõ về lịch sử đất nước.
Những vật dụng trong ngôi nhà của mình ông đều tự tay làm. Chiếc tủ trong phòng khách của mình ông đã tự tay gọt tỉa để cho ra đời hai tác phẩm có ý nghĩa đó là hình ảnh 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc đang khuân pháo, lấp đường cho xe đi qua và bên kia là hình ảnh những chiến sỹ bộ đội trong trận đánh Điện Biên Phủ hào hùng một thời. Tác phẩm được ông gọt giũa cẩn thận, tinh tế và được để nơi trang trọng trong ngôi nhà mình.
Cứ vào những dịp lễ hội lớn hay cắm trại, các đoàn học sinh lại kéo đến nhà ông để mượn những bức tượng về Hồ Chủ tịch hay các anh chiến sỹ để trưng bày, vì đó là những tác phẩm được xem là "độc" và có ý nghĩa. Ông luôn tự hào về điều đó và càng cố gắng tìm thêm những hình ảnh có ý nghĩa để mọi người cùng được thưởng thức.
"Một tác phẩm có giá trị thì điều đặc biệt hơn cả là phải có hồn trong đó, nhất là ánh mắt. Những điều đó tôi có được là nhờ sự chỉ dẫn của một vị linh mục mà cách đây cả chục năm tôi may mắn được gặp. Vị linh mục đó dạy tôi được ba buổi, mỗi buổi chừng ba mươi phút nhưng đối với tôi những điều tôi học được trong ba buổi đó tưởng chừng như là ba năm", đó là lòng tri ân chân thành của lão nông đối với "người thầy" của mình. Rất nhiều tác phẩm đã được ông trao tặng cho các cơ quan, cá nhân và tổ chức tôn giáo. Ông quan niệm sống trên đời nên để lại tiếng thơm cho thế hệ sau.
Kim Long - Lê Quyết